Anh chị em quý mến,
Câu chuyện không nói nhiều về thân thế của người đã bị cướp, bị đánh tả tơi và bị bỏ rơi. Nếu suy nghĩ theo cách thường tình thì người bị cướp phải là người có tiền, khá giả vì không ai đi cướp người không có gì để cướp. Cụm từ “chạnh lòng thương” được các thánh sử dùng để nói về Chúa Giêsu. Nhưng trong câu chuyện này chính Chúa đã dùng cho người Samaritan nhân hậu. Phải chăng dụ ngôn muốn đề cao về người Samaritanô nhân hậu, là một lựa chọn cụ thể, mà chúng ta quyết định trong việc lựa chọn cách sống và đối xử với những người xung quanh. Chính Chúa Giêsu cũng đã từng phán “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm”. (Mt 25, 31-46) hoặc câu “Những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta”.
Tôi cũng đã từng muốn mình trở thành như người Samaritan nhân hậu. Nhưng trải qua những sóng gió đời người, tôi lại suy nghĩ khác hơn. Trước khi trở thành người Samaritan tôi nên đứng ở vị trí của người bị cướp, bị chà đạp, bị bỏ rơi. Có lẽ lúc huy hoàng, thành công, thịnh vượng, bình yên… chúng ta ít khi nhận ra và dễ bị mờ mắt trước cái khốn khổ của người khác. Đôi khi đứng ở vị trí cao như một tư tế, lêvi, (đã nhắc đến trong dụ ngôn trên) là những người trông thấy người bị thương, nhưng không dừng lại và đi thẳng. Tôi cũng tự xét mình đã bao lần tôi không nhận ra hay không nhìn thấy những khốn khổ của những người trước mắt. Khi đặt mình vào nhân vật người bị cướp, bị chà đạp, bị bỏ rơi nhưng được nâng lên, được băng bó vết thương và lo lắng một cách rất chu đáo, tôi mới hiểu mình phải làm gì. Câu chuyện không nói thêm về người đã bị cướp nhưng tôi nghĩ người bị cướp đó sẽ cảm thấy an ủi, và nhận ra đâu đó vẫn còn tình người.
Chỉ khi ta đặt mình vào hoàn cảnh của người bị cướp, bị chà đạp, bị bỏ rơi… ta mới có thể trở thành người Samaritan nhân hậu. Ở đời không ai muốn mình bị cướp , bị chà đạp, bị bỏ rơi. Nhưng đôi khi ta chứng kiến xã hội nhiều kẻ cướp hơn là người Samaritan nhân hậu. Đôi khi vì chút lợi lộc cá nhân ta có thể không ngần ngại cướp đi hay sẵn lòng chà đạp lên nhân phẩm hay nỗi đau của người khác. Có khi vì quá lo cho sự an toàn của chính mình mà đành lòng bỏ rơi những người xung quanh, luôn cả người mình đã từng biết và yêu thương.
Tôi nhớ lại khi mình gặp gian nan thử thách, tôi mới nhận ra dụ ngôn này thật thấm thía. Lúc đối diện với khổ đau, thất vọng và gian truân của cuộc đời, tôi nhận ra không ít những tư tế và lêvi của thời đại, bên cạnh đó tôi cũng đã gặp những Samaritan nhân hậu đã nâng tôi lên, băng bó những vết thương không chỉ vết thương thể xác mà còn là những vết thương của tinh thần. Khi gặp những hình ảnh của những Samaritan nhân hậu đó cũng chính là lúc tôi cảm thấy được an ủi, thông cảm khi mình bị bỏ rơi. Vì cái cảm giác bị bỏ rơi rất đáng sợ.
Trên thập giá năm xưa không biết Chúa có cảm giác bị bỏ rơi không? Ngài cũng đã từng than thở “Lạy Chúa lạy Chúa con sao Chúa bỏ con”. Các môn đệ mỗi người mỗi ngã, mỗi việc, mỗi hoàn cảnh và nhiều lý do khác nhau. Chúa đã bị cướp đi mạng sống, bị hành hạ, bị bỏ rơi. Nhưng cũng có những người Samaritan nhân hậu đứng dưới chân thập giá để an ủi, chờ đón và ôm Ngài vào lòng với tất cả tình yêu. Bởi cũng vì tình yêu, Chúa đã giáng trần; vì tình yêu, Chúa đã chết; vì tình yêu, Chúa đã sống lại. Vì tình yêu, Chúa không muốn bỏ rơi chúng ta mồ côi.
Chính các việc bác ái tốt lành chúng ta làm cho người thân cận với tình yêu thương và niềm vui mà đức tin của chúng ta nảy mầm và sinh hoa trái. Chúng ta hãy tự hỏi, tự trả lời trong tim: Đức tin của chúng ta có phong phú không? Đức tin của chúng ta có sinh ra các việc tốt lành không? Hay nó cằn cỗi và vì thế chết hơn là sống? Tôi có tới gần người khốn khổ không hay chỉ đi qua bên cạnh? Tôi có thuộc số những người tuyển lựa người ta theo sở thích riêng không?
Tông Đồ Giáo Dân Samaritan đươc thành lập cũng vì những trăn trở trên. Đây là công việc tông đồ, bác ái của mỗi người chúng ta nhất là những ai được mời gọi khi nhận lãnh bí tích Thánh Tẩy. Qua công việc bác ái này, chúng ta trở nên những người Samaritan nhân hậu của thời đại luôn chạm đến những người neo đơn, những người già, những mảnh đời bị nhiều sóng gió, khổ đau hay bị bỏ rơi... Tông Đồ Giáo Dân Samaritan là sứ vụ tông đồ của người tín hữu mang hình ảnh Thiên Chúa đến với mọi người. Cũng như phần nào xoa dịu những khốn khổ và mang nụ cười, niềm vui, niềm hy vọng đến với những anh chị em nghèo khó, bị bỏ rơi. Khi làm một việc tốt lành nhất có thể cũng là lúc chúng ta trở nên không những là hiện thân của người Samaritan nhân hậu và còn là hiện thân của Đức Kitô giữa đời.
Thân mến,
Lm. Phêrô Dương Thanh Liêm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét